Dịch vụ tiệc tại nhà tất bật "chạy sô"

Dịch vụ tiệc tại nhà tất bật "chạy sô"
Ngày đăng: 02/10/2019 09:56 PM

VÀO MÙA LÀM ĂN

Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, đại diện cơ sở nấu ăn Chí Hùng-Tư Cận (số 152/20, Bacu, TP.Vũng Tàu) cho biết, thời điểm cuối năm, lượng khách đặt tiệc tăng khoảng 50% so với ngày thường. Hiện mỗi ngày, cơ sở nhận 2-3 tiệc, với mức giá dao động từ 1,3-1,6 triệu đồng/bàn. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, ngoài 5 nhân công chính của cơ sở, những ngày này, bà Sương còn phải thuê thêm 5-7 lao động thời vụ với tiền công 150-200 ngàn đồng/tiệc/người, chủ yếu là SV làm thêm. “Cách đây vài ngày, chúng tôi nhận làm 3 tiệc ở 3 địa phương là TP.Bà Rịa, TP.Vũng Tàu và huyện Long Điền nên phải chia nhân viên đi phục vụ. Mỗi tiệc có 3-5 người, chạy sô từ sáng đến 9-10 giờ tối mới về”, bà Sương cho biết.

Gọi điện cho bà Trần Thị Mơ, chủ cơ sở nấu ăn Khanh (số 79B, Bà Triệu, phường 4, TP.Vũng Tàu) mấy ngày này máy bận liên tục. Bà Mơ nói: “Tôi đang lên Bà Rịa làm tiệc. Mấy hôm nay, ngày nào cũng có tiệc. Từ 20 tháng Chạp đến 30 Tết, lịch đặt tiệc của tôi đã kín hết, mỗi ngày 2 đám. Muốn nhận thêm cũng không đủ sức để làm, sợ phục vụ không chu đáo khách lại phiền”.

Tại huyện Châu Đức, huyện Long Điền, TP.Bà Rịa, dịch vụ nấu tiệc tại nhà cũng sôi động không kém. Ông Lê Đình Dũng, chủ cơ sở nấu ăn Hùng Dương (số 168/27, Hùng Vương, TT.Ngãi Giao, huyện Châu Đức) cho biết, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng ở thị trấn cũng như các xã lân cận, ngoài các món ăn được chế biến từ tôm, heo, bò, gà, cơ sở của ông còn nấu các món đặc sản vùng quê như: heo rừng, thịt dê, cá lóc đồng… “Chúng tôi luôn đưa ra mức giá vừa phải, món ăn phù hợp với khẩu vị của người dân địa phương. Không như ở thành phố, giá mỗi bàn tiệc ở huyện Châu Đức thường rẻ hơn 100-150 ngàn đồng”, ông Lê Đình Dũng nói.

Ông Chu Đức Thịnh, quản lý cửa hàng Honda Nghĩa, số 25, Hùng Vương, TT.Ngãi Giao cho biết, cuối năm, cửa hàng thường tổ chức tiệc tất niên cho cán bộ, nhân viên. Thay vì đến nhà hàng vừa tốn kém lại không ấm cúng, chúng tôi tổ chức tiệc ngay tại cửa hàng và sử dụng dịch vụ của cơ sở nấu ăn Thúy Lan (TT. Ngãi Giao). Chúng tôi phải đặt trước ít nhất 3 ngày, cơ sở nấu ăn mới sắp xếp lịch được.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (số 115/37D3, Lê Lợi, phường Thắng Nhì, TP.Vũng Tàu) cho biết, ngày thường, chỉ cần gọi hôm trước, hôm sau có tiệc, nhưng những ngày giáp Tết đặt tiệc rất khó. “Hôm qua, tôi gọi cho mấy cơ sở quen ở TP.Vũng Tàu để đặt tiệc nhưng họ đều không nhận nữa nên tôi phải gọi cho cơ sở nấu ăn Hoài Lan ở tận huyện Xuyên Mộc. Xóm tôi dự định ăn tất niên vào ngày 27 Tết nhưng vì kẹt lịch của cơ sở nấu ăn nên phải tổ chức sớm hơn 1 ngày”, chị Thúy cho biết.

CHÚ TRỌNG VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

Để bảo đảm chất lượng món ăn, từ 3-4 giờ sáng, bà Trần Thị Mơ đã phải ra các chợ đầu mối và các cơ sở cung cấp thực phẩm để lấy rau, củ, quả, thịt, cá và các loại hải sản tươi ngon về chế biến. Theo bà Mơ, giá thực phẩm ngày Tết tăng so với ngày thường, riêng giá cá mú tăng rất cao (ngày thường 230 ngàn đồng/kg, nay lên đến 300 ngàn đồng/kg), nên giá mỗi bàn tiệc tăng 100-110 ngàn đồng. “Hiện nay, vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đang được nhiều khách hàng quan tâm nên chúng tôi rất chú ý đến việc này. Tất cả thực phẩm cơ sở sử dụng đều phải tươi ngon và có nguồn gốc rõ ràng”, bà Mơ nói.

Bà Nguyễn Ngọc Linh, chủ cơ sở nấu ăn Tuấn Phương (số 152/16, Bacu, TP.Vũng Tàu) cho biết, tiệc nhiều, khách đông nên cơ sở đã tăng cường nhân lực đứng bếp và nhân viên phục vụ. Do đó, giá mỗi bàn tiệc cũng tăng khoảng 5-10% so với ngày thường. Theo bà Linh, mặc dù khách đông nhưng cơ sở nấu ăn Tuấn Phương vẫn rất chú trọng việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm bằng cách sử dụng nguồn nước sạch để nấu ăn, khử trùng dụng cụ nhà bếp khi nấu; sử dụng thực phẩm của các đơn vị cung cấp có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguyên liệu mua về được cơ sở bảo quản theo đúng quy trình, món ăn nấu xong được nhân viên bọc giấy bạc bảo quản và đặt trên các giá cao ráo, tránh côn trùng và bụi bẩn.

Bài, ảnh: QUANG VŨ - MẠNH THẮNG

Chia sẻ:
Bài viết khác: